ĐỂ GIA ĐÌNH TRỞ THÀNH MÔI TRƯỜNG HỌC LÝ TƯỞNG CỦA CON | Tin Tức & Sự Kiện|Amitie Sports Club|Lớp học bóng đá cho trẻ em
Amitie Cheer Dance Club

Amitie Sports Club

CLOSE

 

Thông báo & Blog

ĐỂ GIA ĐÌNH TRỞ THÀNH MÔI TRƯỜNG HỌC LÝ TƯỞNG CỦA CON

2021.03.26 Youtube

Trong các bài đăng trước, Amitie đã phân tích 3 điểm khác biệt thường thấy giữa trẻ học giỏi và học kém. Thứ nhất, trẻ có hay không có mục đích để học giỏi. Thứ hai, môi trường học của trẻ như thế nào. Và thứ ba là trẻ đã từng có trải nghiệm khi cố gắng hết mình thì sẽ có kết quả tốt hay chưa.

1. Bắt tay vào việc tạo dựng môi trường học cho con từ đâu?

Việc trẻ thích học hay không, ý thức học cao hay thấp không phải do bẩm sinh, mà được xây dựng nhờ vào môi trường giáo dục. Có rất nhiều thói quen, hành vi của trẻ, ngay cả việc học chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ ba mẹ, gia đình. Ba mẹ luôn muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất, cho con vào trường học tốt nhất nhưng ba mẹ đừng quên, môi trường học gần gũi nhất của trẻ là ngay chính trong gia đình. Nơi giúp trẻ thấy hào hứng, không có cảm giác áp lực hay ác cảm với việc học là môi trường học lý tưởng.

2. Xây dựng môi trường học lý tưởng cho trẻ ngay từ trong gia đình. 

Xây dựng môi trường học lý tưởng cho trẻ ngay từ trong gia đình không hề khó nhưng có một số điểm ba mẹ cần lưu ý. 

Lưu ý 1: Tạo môi trường để trẻ cảm nhận gia đình mình ham học hỏi.

Ba mẹ đều biết, trẻ em thích bắt chước hành vi, thói quen của ba mẹ. Nếu ngoài giờ làm việc, ba mẹ thích xem ti vi, nghịch điện thoại, chơi game thì trẻ cũng cảm thấy những việc này thú vị.
Tương tự, nếu trẻ cảm nhận được gia đình mình ham học hỏi, ai cũng yêu thích việc học thì trẻ cũng sẽ yêu thích việc học một cách tự nhiên.
Để tạo được môi trường học lý tưởng này, ba mẹ hãy đặt thật nhiều kệ sách,
trên kệ có nhiều cuốn sách mà ba mẹ muốn trẻ đọc, ở những nơi trẻ dễ nhìn thấy như trong phòng khách của gia đình, hoặc là trong phòng ngủ của trẻ.
Trong nhà hoặc trong phòng nhiều cám dỗ thì trẻ rất khó để tập trung, như đồ chơi, truyện tranh.Thế nên, sau khi trẻ chơi xong, ba mẹ hãy để cho trẻ cất gọn đồ chơi vào tủ.
Thêm nữa, khi trẻ thấy ba mẹ hứng thú với sách vở, kiến thức trẻ cũng sẽ yêu thích theo.
Chẳng hạn như, ba mẹ cũng hãy cho trẻ nhìn thấy được nhiều hình ảnh ba mẹ đọc sách, đọc báo, tìm hiểu
kiến thức, làm việc đầu óc.
Một cách dễ thực hiện hơn nữa, đó là ba mẹ có thể quyết định giờ học của gia đình. Tại sao giờ học của gia đình lại quan trọng với việc học của trẻ như vậy. Thường thấy ở nhiều gia đình Việt Nam, sau giờ làm việc, ba mẹ sẽ nhắc con đi học bài còn ba mẹ thì nghỉ ngơi, giải trí. Việc ba mẹ xem ti vi, giải trí khi trẻ đang học sẽ khiến trẻ khó tập trung, dĩ nhiên là việc học của trẻ cũng không tốt.
Gợi ý cho ba mẹ, thay vì gia đình mỗi người mỗi việc như vậy, thì ăn tối xong gia đình hãy dành khoảng 1 tiếng đồng hồ cho việc học. Trẻ làm bài tập còn ba mẹ thì đọc sách, tìm hiểu kiến thức, cũng là một hình thức giải trí mà còn tốt cho việc học của con nữa.

Lưu ý 2 :  Luôn đặt câu hỏi khi giao tiếp với trẻ
Cách giao tiếp của ba mẹ đóng vai trò quan trọng đối với việc học của con. Khi đã có môi trường học thuận lợi, trong quá trình học trẻ có thể sẽ gặp những bài toán khó, những câu hỏi không giải đáp được. Những khó khăn này trẻ thường xuyên gặp trong quá trình học, nên người đầu tiên trẻ nhờ giúp đỡ chính là ba mẹ. Thông thường, ba mẹ sẽ theo thói quen trả lời ngay.

Đến đây, lời khuyên của Amitie dành cho ba mẹ là, hãy luôn đặt câu hỏi khi giao tiếp với trẻ. Quay lại tình huống trẻ hỏi bài ba mẹ, thay vì đưa luôn đáp án cho trẻ, ba mẹ hãy đặt câu hỏi ngược lại để gợi ý cho trẻ từng bước giải quyết vấn đề. Nhờ đó trẻ sẽ phát huy khả năng suy nghĩ và tự tìm ra câu trả lời.

Một lợi ích nữa của việc giao tiếp với trẻ bằng cách đặt câu hỏi, chính là khiến trẻ cảm giác thấy ba mẹ muốn lắng nghe mình nhờ đó mối quan hệ giữa ba mẹ và con thân thiết, gắn bó là nền tảng để trẻ tin tưởng, tự tin và hình thành ý thức muốn chứng minh bản thân để có được sự công nhận của ba mẹ.
Vì vậy mà trẻ sẽ cố gắng hết mình để làm tốt mọi việc, trong đó có cả việc học mà ba mẹ đặc biệt quan tâm.

Vậy, cách đặt câu hỏi cho trẻ như thế nào?
Một ví dụ, khi con đang ngồi chơi, thay vì nhắc nhở con đi học bài bằng một câu mệnh lệnh: “Con đi học bài đi!” Ba mẹ hãy thay đổi bằng cách đặt câu hỏi: “Hôm nay con có bài tập về nhà không?” – Câu hỏi này sẽ khiến trẻ nhớ đến bài tập về nhà mà không làm trẻ mất đi động lực.

Thêm nữa, đặt câu hỏi cho trẻ thì đặt câu hỏi càng cụ thể càng tốt. Những câu mà ba mẹ thường hay hỏi như “hôm nay ở trường học như thế nào” thực ra là một câu hỏi rất khó trả lời. Đối với câu hỏi này, thì bé nhỏ sẽ không biết trả lời như thế nào, bé lớn hơn sẽ trả lời là “Con thấy bình thường” và cuộc trò chuyện sẽ kết thúc ở đó.
Để trẻ dễ chia sẻ, ba mẹ hãy đặt những câu hỏi cụ thể, ví dụ như hôm nay ở trường con ăn gì? hôm nay ở trường con chơi gì, có chơi với bạn A, B, C không? Câu hỏi cụ thể là một cách giúp trẻ mở lòng với ba mẹ, qua đó trẻ sẽ thấy ba mẹ tin tưởng và thấu hiểu mình.”

Tóm lại, ba mẹ hãy thử áp dụng hai điểm lưu ý này, điểm lưu ý số một là tạo môi trường học lý tưởng cho trẻ trong gia đình, điểm lưu ý số hai là luôn đặt câu hỏi khi giao tiếp với trẻ.

Hi vọng hai lưu ý Amitie chia sẻ này có thể giúp ích cho ba mẹ cải thiện việc học hành của con.

Back To Top