HCM · HANOI028-3622-7770 Trải nghiệm miễn phí 無料体験お申込み
CẢI THIỆN TÍNH NHÚT NHÁT CỦA TRẺ
2021.01.27 Youtube
Ba mẹ nào cũng muốn con trở thành một đứa trẻ tự tin, năng động, hoạt bát. Thế nhưng thực tế quan sát các bé nhỏ, đặc biệt là ở độ tuổi mầm non, thường thấy tình trạng bé nhút nhát khi bước vào môi trường mới. Vậy trẻ nhút nhát có biểu hiện gì, vì sao lại như vậy và làm thế nào để cải thiện?
1.Biểu hiện thường thấy ở trẻ nhút nhát.
Đặc điểm dễ nhận thấy ở bé nhút nhát là ít thích nói chuyện, rụt rè, ít vận động. Bé nhút nhát là bé thiếu tự tin khi đến một môi trường mới, dẫn đến bé không hào hứng, không muốn đi ra ngoài, khó kết giao với bạn bè mới mà chỉ thích ở nhà, ở những nơi quen thuộc và thường hay chơi một mình.
2.Vì sao bé nhút nhát?
Thấy bé nhút nhát, ba mẹ thường hay lo lắng là con mình chỉ biết đến ba mẹ. Nguyên nhân thực sự là khi vào môi trường mới, gặp người lạ bé thấy tò mò, chính vì tò mò nên bé mới sợ và có các biểu hiện của sự nhút nhát.
Ngay cả người lớn khi đến môi trường mới, gặp người lạ, rất nhiều người sẽ thấy hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, người lớn khác trẻ em ở chỗ người lớn có nhiều kinh nghiệm sống, khả năng phán đoán xem môi trường mới này có đặc điểm gì, những người ở đây ra sao. Các bé nhỏ thì chưa có khả năng phán đoán này, nên khi phát sinh là nỗi sợ các bé sẽ có xu hướng né tránh, tức là bé trở nên nhút nhát.
Ở lớp Amitie, trong buổi học trải nghiệm đầu tiên nhiều bé cũng nhút nhát không tham gia được ngay, thường gặp nhất là các bạn ở độ tuổi mầm non. Nhiều khi người lớn cảm thấy nôn nóng nên vội vã đẩy bé ra môi trường mới này, và khiến bé càng sợ hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, bé quan tâm nhưng mà bé sợ hãi rằng không biết những người này là ai, môi trường này như thế nào, có an toàn hay không. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự nhút nhát ở trẻ.
3. Làm thế nào để trẻ không còn nhút nhát nữa?
Đầu tiên phải giải quyết nguồn gốc sự nhút nhát bằng cách xua tan cảm giác không an toàn của trẻ. Ba mẹ hãy cho trẻ thấy, những người lạ này là người thân quen của ba mẹ. Đối với bé, ba mẹ là người gần gũi thân thiết nhất, thế nên để cho bé thấy người lạ này là người thân thiết, gần gũi với ba mẹ thì bé sẽ làm quen một cách dễ dàng.
Ví dụ, khi dắt bé đi đến một lớp học mới, thay vì đẩy bé ngay lại chỗ thầy cô mới, ba mẹ nên dành thời gian trò chuyện vui vẻ với thầy cô mới này. Việc làm này khiến trẻ cảm nhận, cô giáo này là người quen, có mối quan hệ tốt với ba mẹ nên trẻ không còn lo lắng nữa mà có thể tiếp xúc với cô, từ đó dễ dàng hòa nhập với lớp.
Phương pháp số hai, cho bé tiếp xúc với nhiều người mới, nhiều môi trường mới để bé tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, từ đó trở nên mạnh dạn và tự tin hơn.
Quan sát từ các bé chủ động, tự tin thì thấy các bé có đặc điểm chung là ba mẹ hay dẫn các bé đi chơi và tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Không cần phải đi đâu quá xa xôi, tốn kém. Ba mẹ có thể dẫn bé đi chơi ở công viên gần nhà, chơi với anh chị em họ hàng, bạn bè cùng xóm hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa, lớp học rèn luyện kỹ năng mềm,… Tóm lại, ba mẹ hãy tạo cho bé nhiều cơ hội tiếp xúc với các môi trường khác, ngoài những môi trường quen thuộc mà các bé hay tiếp xúc. Dĩ nhiên để bé dạn dĩ hơn thì không thể chỉ bằng một hai lần đi chơi mà phải được thực hiện đều đặn giống như thói quen hàng ngày vậy.